12/13/2012

Truyện ngắn CON CHÓ CỦA NGƯỜI TẠP VỤ

CON CHÓ CỦA NGƯỜI TẠP VỤ

Truyện ngắn Lê Đăng Kháng



Lần này thì chị quyết định vòng xe đạp quay lại để thử thời vận một lần nữa xem sao. Từ hôm qua chị đã nhìn thấy nó nằm ở trước một hiên nhà vắng chủ. Con chó hẳn là giống chó to, nó có màu hung vàng, mõm ngắn và bẹ ra, hai cái tai cúp xuống trong tư thế cam chịu của một con vật nằm chờ những phút cuối cuộc đời.
Rồi chị đâm ra lưỡng lự, hay là nhà của nó đấy nhưng chủ nó đi đâu nhỉ? Có thể chị đúng, nếu chủ nhân ngôi nhà đi Đà Lạt, Nha Trang nghỉ dưỡng gì đó thì không bao giờ lại để một con chó lâm vào cảnh bơ vơ như thế kia. Ít nhất họ cũng nhờ hoặc cũng gởi gắm bạn bè đến trông nhà và chăm nom một con chó “có vấn đề”. Bị chủ đuổi ra ngoài vì đã hết vai trò của một con chó trong việc bảo vệ chủ, giữ nhà, cũng có thể là một con chó bị bệnh dại? Khả năng này đối với chị còn đáng sợ hơn cả việc đối mặt cuộc sống mà mọi thứ đang lên giá theo giá dầu thế giới trong khi thu nhập một tạp nhân như chị có 700 ngàn đồng trên tháng. Nghe đâu một mũi tiêm ngừa bệnh dại đã hơn trăm ngàn mà muốn an toàn thì liệu pháp phải ba mũi.

Nhưng bằng giác quan thứ sáu, thì chị cho rằng nó không hề dại. Chị dựng xe và tiến dần đến. À, gọi tên nó là gì để dễ tiếp cận đây. Các nhà quyền quí, các bậc trưởng giả ở thành phố nuôi chó bẹc giê; giống chó quí đều đặt tên như là: lucky, lulu, tôtô, nếu môđen hơn thì là bop. Có nhà còn dịu dàng hơn khi đặt tên cho chó cái là Natasa, rất nữ tính, đấy là họ học theo mốt ở Paris , chó đứng trên phụ nữ và dưới trẻ con một bậc.
Còn độ vài ba bước chân nữa là chị có thể vuốt tay trên lưng con chó nhưng chị dừng lại và buột miệng  nhẹ nhàng.
- Ôi! Lu, làm sao ra nông nỗi? Đi về với tao nhé! Đi về tao sẽ cho mày ăn cháo, ăn súp. Ôi! Tội quá ha.
Chị vẫn làm quen với con vật bằng cử chỉ và ngữ điệu rất nhẹ nhàng đầy thiện chí.
Lạ thay, con chó không hề tỏ ra hung dữ, hay đại loại một biểu hiện gì nguy hiểm đối với chị. Giống chó rất tinh. Người ta bảo khuyển mã chí tình là vậy. Nó vẫy vẫy đuôi một cách yếu ớt, và ngước cặp mắt đờ dại nhưng thân thiện cầu cứu lên nhìn chị. Chị từ từ ngồi xuống, giơ bàn tay và hạ từ từ xuống lưng con chó. Thấy không có gì phản ứng từ phía con vật, chị vuốt nhẹ bàn tay lên lưng nó.
Đám đông bâu quanh chị mỗi lúc một đông. Người này thấy người nọ đứng lại cũng đứng lại. Chị còn lạ gì người thành phố nữa, họ vốn không có việc gì để làm, nhất là các bà các cô cậu choai choai, những công chức nam lẫn nữ ưa đưa tin các sự kiện vỉa hè, chỉ cần một tai nạn giao thông, một bà đi chợ về té đau một bên háng, một gã tâm thần thoát y vừa đi vừa hát cũng làm nhiều người thành phố cảm thấy như đang sống trong một ngày hội Valentin đầy cảm hứng.
Trong số những người bu lại quanh chị, đa số là thợ thuyền, dân lao động, học sinh sinh viên, nhà giáo, người đạp xe ba gác, xích lô có thể có cả những ông nhà báo chuyên săn tin người tốt việc tốt, hoặc săn ảnh mỹ nhân để làm báo tết. Ôi! Lạy trời, chị không phải mỹ nhân cũng không là người tốt việc tốt gì hết.
Sau khi được vuốt trên lưng và trên đầu, con chó vẫy đuôi nhiều hơn. Từ hai hốc mắt nó, hai dòng nước mắt chảy ra dưới sự chứng kiến của nhiều người chứ không riêng mình chị.
- Đứng dậy nào! Về nhà với ta đi con, chị đổi cách xưng hô khi con chó đã biết chảy nước mắt.
Chị khuyến khích con chó bằng cách chị đi ra vài bước rồi vẫy nó. Con bop hay lu gì đó cố đứng lên, nó loạng choạng để theo chị vì có thể nó biết rằng nó đã tìm được một nơi trong cõi đời này để nương tựa theo nghĩa của một con vật với chủ. Nhưng chao ôi! Nó chưa đi được bước nào thì đã ngã vật ra, bấy giờ người ta mới nhìn rõ cái bụng của nó, hai bên sườn như dính làm một, những chiếc xương sườn nhô ra thoi thóp, những cứ liệu trên chứng tỏ từ mấy ngày nay nó chỉ sống bằng chính lực tàn trong cơ thể. Chưa hết, trên mình nó chị còn nhìn thấy có nhiều vết bầm dập, đọng máu thâm tím. Chị đưa bàn tay đuổi những con ruồi đang ra sức khai thác những gì từ vết thương trên thân mình con chó. Đám đông bâu quanh, có người đã chán, giãn ra thì người khác không bỏ lỡ cơ hội lập tức sáp lại. Có gì phải xem một người tạp vụ một cơ quan có ý định cứu rỗi một con chó sắp chết chứ? Thế mà họ vẫn bám quanh chị.
Chị quay lại, ngồi xuống an ủi con vật bằng những cái xoa đầu để biểu hiện rằng ta sẽ không bỏ con đâu.
Thiện tâm gặp thiện tâm, một ông xích lô đã ngoại lục tuần vẻ mặt biểu cảm nhiều thiện chí ghé lại hỏi chị:
- Cô Hai cần về đâu với nó, chỉ con chó, tôi chở giúp cho.
Chị phấn chấn hẳn:
- Ôi! Vậy thì hên quá, chú chở giùm nó, vẫn chỉ con chó, về số nhà... hẻm...phường 18, đường Nguyễn Đình Chiểu.
Ông xích lô giúp chị bế con chó lên xe, và đạp theo chị giữa đám đông hiếu kỳ ngơ ngác nhìn theo. Sau khi thoả mãn trí tò mò không đáng khuyến khích và giết thì giờ của đời sống thị dân, nhiều người lắc đầu ngao ngán. “Rõ ràng chị ta là một người điên. Có gì để chúng ta phải ca ngợi chứ. Nào, ăn mặc thì xuyềnh xoàng, vẻ mặt không lấy gì làm sang trọng, và rõ nhất của sự ngớ ngẩn là đi cứu một con chó hoang”. Cái chết của xã hội người đời là những hành vi ngay từ đấy, chỉ biết chê trách người mà không bao giờ nhìn lại mình.
* * *
Một chị trong cơ quan tỏ ra thân thiện với chị, chẳng biết để giao đãi đẩy đưa hay thật bụng khi chị đem cái bình thủy nước sôi và bộ ly uống nước đã được rửa rất sạch bằng dầu rửa chén Melia thượng hạng.
- Nè! Mừng cho chị đó. Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang. Nhất định mẹ con chị sẽ ăn nên làm ra cho coi.
- Dạ! Cám ơn chị. Giàu sang chi đến với tôi. Thấy nó tội quá thì đem về nhà nuôi vậy mà.
Có người còn hỏi chị:
- Chị đã tiêm ngừa cho nó chưa? Ngộ lỡ ra...
Chị sực nhớ mấy ngày nay mẹ con chị lo chăm sóc cho con vàng. Không nghĩ ra chuyện đem nó đi thầy thuốc thú y chích ngừa. Chiều nay chị phải làm việc đó, chị đặt tên cho nó như ở quê vẫn đặt là vàng. Nó có bộ lông màu hung vàng. Chứ không bop hay John, gì cả. Mấy bữa đầu chị phải nấu cháo bằm thịt cho nó. Nghe con gái chị nói, giống chó này từng được uống sữa, thế là chị đi mua sữa về pha cho con vàng uống. Con vật dường như không khó khăn gì để làm quen với cái tên vàng mà người chủ mới đặt cho nó.
Con vàng lại sức rất nhanh, được ăn no bù lại chuỗi ngày đói khát trên đường đi hoang, bộ lông màu hung vàng của nó mượt hẳn ra. Nó đứng dậy vẫy đuôi khi chị đi làm về. Được chị khuyến khích, nó tiến lại vẫy đuôi và dè dặt liếm bàn tay chị với cử chỉ biết ơn. Tình cảm của con vàng với chị chưa được giống như những con chó của chủ khác: nhẩy quẩng lên, ư ử rên trong cổ họng khi mừng chủ đi xa mới về. Có thể trong khi chấp nhận môi trường mới, quen dần với chủ mới nó còn lưu luyến hoài vọng một cái gì chăng.
Tin mẹ con chị bắt được con chó quí cứ một đồn mười, mười đồn một trăm. Cả cơ quan, cả khu phố biết. Một ngày kia vào lúc bảy giờ tối khi mẹ con chị chuẩn bị ăn cơm chiều thì có một chiếc xe Dream mới cáo sịch đến. Bước xuống xe là một người đàn ông độ ngoại tứ tuần, thấp đậm, ông ta có khuôn mặt béo húp híp do đó đôi mắt càng nhỏ lại, nó vốn đã một mí. Bên tay trái anh ta đeo hai cái nhẫn vàng như hai con đỉa quấn lấy những ngón tay to và ngắn càng làm cho không gian ở bàn tay thêm chật chội bức bối chứ không sang cả là mấy.
Đứa con gái vội nép vào chị để tìm một sự an toàn nào đấy. Còn chị, chị đã hình dung ra sự chẳng lành.
- Xin nỗi về sự đột ngột. Giọng anh ta như người ngạt mũi lại eo éo như người đồng tính và ngọng nghịu ở elờ và en nờ. Anh ta tiếp, tôi là Tư Xuân, một cái tên đàn bà, chị nghĩ bụng. Tôi làm việc ở Công ty Xây lắp thủy lợi tỉnh.
Từ lúc anh ta vào nhà, con vàng nhìn sững anh ta vài giây rồi nó cất tiếng rên ư ử trong cổ. Nó chạy lại cọ cọ đầu vào chân người đàn ông.
Tư Xuân tiếp:
- Tôi được biết chị bắt được con bop nhà tôi, hiện nó đây. Ê. Bop lại đây. Anh ta xán lại xoa đầu con chó. Tôi đi vắng có mấy ngày ở nhà không chăm sóc để nó đi mất. Thôi về nhà mình đi, cám ơn chị nhé. Anh ta tóm cổ con chó.
Con gái chị ôm mặt khóc hu hu như ai lấy một cái roi quất vào tâm linh nó.
- Không được! Chị cản anh ta lại. Chẳng biết chó nhà ai, nhưng nó sắp chết giữa đường. Bỗng dưng ông đến nhà người ta bắt đi dễ dàng như vậy sao? Chó nhà ông sao nó nỡ bỏ đi mà không tự tìm về? Giống chó nhớ chủ cũ lắm mà. Chị đã bắt đầu lý sự.
Những thớ thịt trên mặt Tư Xuân giãn ra rồi co thắt lại, chứng tỏ anh ta đang lúng túng để chứng minh một sự thực. Rồi anh ta cũng lên tiếng:
- Ờ nhá, nếu tôi không phải là chủ cũ của nó, làm sao nó để cho tôi xoa đầu nó, lại còn vẫy đuôi mừng. Chị đã thấy còn gì. Anh ta cũng có lý đấy.
Sau vài giây cân nhắc, chị nói:
- Nếu thực chó của anh, tôi cho anh dẫn nó đi.
Con gái chị rú lên.
- Không! Không mẹ ơi. Nó đã là của nhà mình rồi. Ông này không có quyền.
Chị an ủi con:
- Thôi hãy để nó về với chủ cũ, mình không nên tham con à.
Mặt Tư Xuân tươi lên khi nghe chị nói vậy, khác nào mở đường cho chủ cũ và chó tìm về với nhau. Anh ta móc trong túi ra tờ năm mươi ngàn:
- Thiệt tình cảm ơn! Gửi lại chị chút quà... uống cà phê.
- Ông cất ngay tiền đi. Nếu không tôi không cho ông dắt chó ra đâu. Chị ngồi xuống xoa đầu con vàng, mày về nhà ngoan nha, đừng bỏ đi nữa mà tội lắm nha.
Tư Xuân lại gọi bop và nựng con vật dắt nó ra khỏi nhà. Con chó vẫy đuôi đi theo anh ta song nó vẫn ngoảnh lại khi con chị buột miệng, vàng.
Từ lúc con vàng đi theo chủ cũ, hai mẹ con chị như người mất hồn. Mâm cơm nguội ngắt. Thôi thế cũng xong. Chó biết nhớ chủ cũ là con chó có nghĩa. Để cho nó về với chủ cũ của nó.
Giữa lúc hai mẹ con chị đang trong cơn tuyệt vọng thì con vàng quay lại. Trời ơi! Chị và con gái reo lên như bắt được vàng. Sao mày trở lại được? Chị ngồi xuống xoa đầu con vàng.
Hôm sau, rồi hôm sau nữa Tư Xuân không bỏ cuộc, đều đến nhà năn nỉ chị xin cho con bop về. Nhưng theo Tư Xuân nói thì con bop chỉ về đến đầu ngõ là dừng lại rồi quay đầu đi. Thật là con chó đặc biệt. Nhớ chủ cũ thì về, song không vào nhà.
Một tuần như vậy thì Tư Xuân bỏ cuộc. Con vàng được yên ổn ở lại trong nhà chị. Song mọi người ở khu phố còn được chứng kiến cảnh có hôm con bop tự động về đến đầu ngõ đứng ngoài cánh cổng nhà chủ cũ rồi cứ đứng như thế chứ không chịu vào nhà. Được một hồi, nó tự động quay lui trở về với người chủ mà nó đã chọn.
Nhà Tư Xuân có bốn thành viên. Tư Xuân, Thục Yến là vợ và con Chanh cháu kêu Yến bằng dì ruột, người giúp việc, thành viên thứ tư là bop, nay mất một còn ba. Thục Yến là người đàn bà đẹp nhưng có đôi mắt lẳng lơ đa tình. Trong khi chồng làm trưởng phòng tổ chức, cái chức sắp đặt người và việc trong công ty thì tiền của vào nhà như nước. Chỉ hiềm vì hai vợ chồng lấy nhau đã hơn mười năm nay không có con. Hai vợ chồng cũng đi xét nghiệm thì được kết luận với lời khuyên của bác sỹ là Tư Xuân chỉ cần ngừng ăn nhậu và nốc bia thì có thể sẽ có con vì uống bia quá gây ra chứng loãng tinh. Tư Xuân đã từng vào những khách sạn sang trọng ở Vũng Tàu cùng những vị chức sắc sau khi ăn chơi, hành lạc với gái mười bảy còn trinh xong thì rút ra những cây vàng 4 số chín mà thanh toán. Bởi loại gái này theo giai thoại là gây được sự may mắn cho những ai còn mong tiến thân trên con đường hoạn lộ. Thời cuộc thay đổi, đùng một cái Tư Xuân bị khui ra bao vụ bê bối, nhận hối lộ, ăn của đút. Mất chức, chờ án kỷ luật.
Đã giàu sang còn chưa thỏa mãn, vợ Tư Xuân bị bể một dây hụi hơn một tỷ đồng. Tối nào khu phố cũng chứng kiến cảnh những tên ma cô theo con nợ đến nhà Tư Xuân xiết đồ trừ nợ. Giàu sang tột đỉnh ai ngờ bỗng chốt sa sút. Của phù vân thường đội nón ra đi là thế.
Nợ đời vốn sòng phẳng. Dù khó vẫn phải trả cho xong. Thục Yến cuối cùng cũng phải xuất hiện trước các chủ nợ bởi nếu không tất có thể cô sẽ bị hại thân tàn ma dại vì những lon axít, bị rạch mặt. Để có tiền trả nợ, cô ta đã nhận lời làm quản lý cho một nhà hàng khách sạn.
Gần đây nhà hàng Thiên Thai đông khách hẳn lên, nhất là những tay có máu mặt, cánh chủ thầu và chức sắc của các tỉnh kế bên. Ở đây có đội ngũ tiếp viên tươi mát. Bà quản lý Thục Yến thật là một trang tuyệt sắc khi bà bới đầu theo kiểu Hàn Quốc, bận sườn xám màu nhung, có khi áo cột dây để lộ đôi vai và bộ ngực trần làm ngây ngất, choáng váng bao gã đàn ông.
Hơn 10 giờ hôm đó, Thục Yến đang thay dồ trong phòng để chuẩn bị ra về thì Bảy Hoàng, Giám đốc nhà hàng gõ cửa và bước vào.
- Anh Bảy! Khuya rồi, anh...?
- Thục Yến! Ta vào thẳng vấn đề đi. Em cần tiền để trả nợ bể hụi đúng không?
- Dạ! Nếu anh Bảy giúp giùm em thì em...
- Đúng! Muốn trả nợ, ta cần phải có tiền. Bảy Hoàng chợt nhớ trước đây vì không đủ lực mà mình bị Tư Xuân cho đo ván, mất chức trưởng phòng tổ chức, đau đớn ê chề, Bảy Hoàng chưa bao giờ nguôi chí phục thù. Bây giờ thì chưa biết ai sẽ thắng ai đây? Lôi một sấp tiền mặt từ trong cặp ra, dằn mạnh lên bàn, đúng điệu bộ của kẻ có tiền. Đây mười triệu, em cầm đỡ. Bảy Hoàng cầm bàn tay mềm mại của Thục Yến đặt tiền vào, rồi cứ giữ nguyên như thế. Trong khi làm ăn, anh em mình sẽ tính sau. Bảy Hoàng định vòng tay ôm lấy Thục Yến. Nhưng cô ta vùng vằng:
- Ý chết! Anh Bảy, em... không chịu đâu.
- Anh thực sự yêu em. Yêu anh đi rồi em có tất cả. Bảy Hoàng lại rút từ trong cặp ra những cọc tiền mệnh giá một trăm ngàn đồng mới cứng nữa, cùng mấy khâu vàng chín tuổi rưỡi dúi vào tay mỹ nhân. Mặt Thục Yến biến sắc, có thể do ánh sáng hắt lên của vàng.
Trong ánh đèn màu xanh nhạt, Thục Yến hiểu những cây vàng đã thuộc về mình và còn hơn thế nữa chỉ cần từ nay mình biết tương kế tựu kế. Sức mạnh của vàng quả là có thể mở được cửa thiên đàng cho các linh hồn là vậy.
Tư Xuân đã phải chuyển công tác đến xí nghiệp nghiền đá của công ty có khi, một tuần, hai ba tuần mới về.
Bảy Hoàng hễ xa Thục Yến là không yên, cái giống có tình nó vậy. Buổi sáng đó hai người hẹn nhau dan díu tại nhà Thục Yến! Khi Bảy Hoàng vừa vòng tay ôm lấy cổ nàng thì con bop xông vào hộc lên và cắn ngay vào tay anh ta kéo ra. Giống chó quả là tận trung một lòng vì chủ. Bảy Hoàng bị rách tay áo, những vết răng chó còn cắm phập vào cổ tay anh ta gây chảy máu. Thục Yến phải lấy cồn rửa và xoa dầu cho người tình. Mỹ nhân lấy ngay đôi guốc của cô đánh con chó tới tấp! Hai ba ngày sau đó, nó không được ăn và bị đuổi ra khỏi nhà. Lúc đầu nó còn lảng vảng gần cổng, nhưng cứ nhìn Thục Yến giơ đôi guốc cao gót lên là nó cúp đuôi chạy mất. Rồi nó phải dấn thân đi hoang và gặp người chủ mới đầy lòng trắc ẩn như trên vừa nói. Bởi còn ấn tượng về những trận đòn thù mà mấy lần nó chỉ theo Tư Xuân về đến cổng chứ không dám vào.
Một buổi khuya độ hơn 12 giờ đêm, Tư Xuân từ xí nghiệp về không có vợ, từ lâu anh ta đã ngậm đắng cho vợ đi làm nhà hàng để có tiền trả nợ. Khi bản thân thằng đàn ông không làm ra tiền nữa thì ngậm miệng cho vợ đi làm kiếm tiền, sỹ diện hão làm gì. Ngẫm cho cùng, tiền làm nên sỹ diện con người. Anh xộc đến nhà hàng, vào thẳng các phòng đang rền rĩ tiếng nhạc karaoke thì lập tức bị cánh bảo vệ với những bàn tay như thép bóp vào vai lôi ra.
- Nhưng giờ khuya rồi! Vợ tôi... anh cố vùng vẫy để thoát ra.
- Ở đây chỉ có nhà hàng và nhân viên phục vụ. Không có vợ nào hết. Biến! Một thằng bảo vệ cầm cây ma trắc gõ vào đầu Tư Xuân.
Độ nửa năm sau, vợ chồng Tư Xuân ra tòa. Cái nhà được hóa giá để trả nợ. Anh đã thuê một phòng trọ trong lán công nhân, tháng 200 ngàn, điện nước xài bao nhiêu thì trả bấy nhiêu.
Một sáng kia, các công nhân liên doanh không thấy anh dậy, sinh nghi họ phá cửa xông vào thì anh đã ra đi tự lúc nào.
Đưa đám ma Tư Xuân có người của xí nghiệp, công nhân trong khu nhà trọ. Họ sắm vòng hoa và cắm nhang cho anh. Phía này chị, người tạp vụ và con vàng nghe tin cũng đến. Dù sao cũng là người quen biết, chị cắm cho chủ cũ của con vàng cây nhang, khấn cho anh ta siêu thoát. Thục Yến đến, cô ta bận đồ đen, song chỉ đứng nhìn từ xa chứ không vào đốt cho chồng cũ nén nhang.Ôi chao! Sao tình đời mau nhợt nhạt đến thế, có thể cô ta giữ ý với người chồng mới cũng nên. Dù là thứ phi nhưng cuộc sống vẫn ướp trong hương thơm nhung lụa vẫn hơn phải ở với anh chồng thất thế, phải đi xúc đá cuội.
Về đến nhà, chị nhận ra là thiếu con bop. Chị liền đạp xe quay lại, theo sự chỉ dẫn của người ta, chị tìm ra nghĩa trang thành phố. Quả nhiên con bop nằm đấy bên cạnh nấm mồ người chủ cũ nghi ngút khói nhang trong ráng chiều chạng vạng tối. Cứ như vậy một tuần sau, con vàng không chịu ăn gì, nó cũng lặng lẽ ra đi.
Chị cùng con gái khóc thương cho con chó vì chủ chí tình. Người ta bảo giống chó xưa nay chết theo chủ cũng không phải ít. Ở phía cuối mộ của Tư Xuân, chị xin ban quản trang cho chôn con bop và khắc cho nó vài hàng chữ: Khuyển mã chí tình. Bop tức vàng, vì chủ quyên sinh...
Tư Xuân chết trong hoàn cảnh khánh kiệt, vợ mất, nhà mất. Con vàng chọn người tạp vụ là chủ vì ơn cứu mạng, vì tình vì nghĩa, nhưng nó vẫn không quên Tư Xuân, chủ cũ. Giống chó như người ta thường nói: Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo. Con bop, vàng chết khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ để thấm thía sự đời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét