12/12/2012

LÊ ĐĂNG KHÁNG ĐỌC TRUYỆN THIẾU NHI CỦA NGUYỄN THÁI HẢI


ĐỌC MỘT NGÀY HÈ Ở BIỂN
 
"…Bà ấy cười vì lẽ gì, hay là bà ấy cười mình nhỉ…". Truyện rằng ở một cửa hàng búp bê kia, anh Phiêu Lưu, nhân vật xưng tôi là cậu bé đánh giày chờ mãi để trả lại cho bà khách nọ tờ 100 đô, nhưng bà không  nhận vì không phải của bà. Bà vẫn cười…có thể bà cười vì một cậu bé đánh giày mà lại có một hành động khảng khái và hào hiệp đến không ngờ… cũng có thể bà cười vì cậu bé quá khờ khạo..?Bà cười vì lẽ gì không quan trọng. Quan trọng nhất là Phiêu Lưu không yên lòng hưởng cái không phải của mình. Đó chính là ý nghĩa của truyện nhặt được. Nhặt được đã để lại trong lòng bạn đọc nhỏ tuổi những câu hỏi và tự trả lời, càng suy nghĩ lại càng lý thú.
Nhặt được là truyện mở đầu của tập truyện. Các nhân vật trong truyện là các em mồ côi, cha mẹ ly hôn, thất học và sớm dấn thân vào chốn bụi đời. Nhưng các em có được một may mắn là tụ về trong ngôi nhà Tình thương của Phường dưới sự bảo trợ của thầy Hùng, công an khu vực. Tại đây nhà văn Nguyễn Thái Hải sẽ đưa chúng ta gặp gỡ và chia sẻ những ước mơ giản dị của các em, ước mơ được sống và làm một con người bình thường trong xã hội

Phiêu Lưu, người xưng tôi có mặt ở nhiều câu chuyện. Có truyện thì nó chứng kiến. Có truyện thì nó thực sự" làm nên" chuyện. Bóng lăn là một thí dụ. Cậu ta may mắn chạy được chân giúp việc cho đội bóng nhi đồng và thiếu niên sắp đi thi đấu. Phiêu Lưu đã làm trái ý lãnh đạo, ghi tên Phùng"nhựa", bạn cậu làm thủ môn cho đội thiếu niên trong khi lãnh đạo đã bố trí Phùng nhựa bắt ở đội nhi đồng, bởi Phiêu Lưu biết quá rõ bạn nó đã ở tuổi thiếu niên. Nó bị đuổi khỏi đoàn. Song do tài nghệ của Phùng nhựa mà đội vẫn cần đến nó. Đội thiếu niên toàn thắng. Cả hai được khen thưởng và nhấp nhổm chờ ngày đi thi đấu khu vực. Hóa ra sự trung thực có phần"mạo hiểm" của nó được đền đáp.
Lên ti vi là một truyện cảm động. Cả lớp học tình thương được lên Tivi ai cũng thích. Rồi một ngày kia, cô gái Bông "ốc tiêu" được cha mẹ đến đón về sum họp gia đình. Cả nhà Tình thương buồn ngơ ngẩn. Thế là từ nay những bạn còn lại sống tiếp những ngày gian nan…và mơ ước…có ba, có má...đến nỗi Phiêu Lưu phải thốt lên:"sau chuyện này tôi chẳng còn chút ao ước lên Tivi nữa…thật đấy". Người lớn còn khối người muốn"lên" Tivi. Nhiều ông bà khi máy quay chưa đến đã sửa tướng cho "ngon"…thế mà Phiêu Lưu lại chán. Đủ biết ước mơ có mái ấm gia đình của một đứa trẻ bụi đời cháy bỏng dường nào?
Đến một ngày hè ở biển thì Huyền"thầy bói" tỏa sáng. Mới tý tuổi mà Huyền đã già dặn kiểu"bà cụ non". Huyền có tài nhìn mắt người ta mà đoán ý nghĩ. Ở Huyền, có sự thăng hoa của người từng trải. Nom nét mặt, nó biết anh Bí thư đoàn sợ vắng bác tài. Nhìn mắt bác tài nó đoán bác sợ đi vào đường một chiều. Nhìn"hố đen" trên biển nó biết có đứa trẻ vừa bị đuối nước. Cậu bé được anh Tiết"Đinh San" cứu sống. Nhìn mắt mẹ cậu bé, nó biết bà muốn nó làm chị kết nghĩa của đứa con trai bà v.v…Ở Huyền là sự khát khao về nhận thức. Nhận thức thế giới xung quanh và chính bản thân nó để tự khẳng định bản thân trong cuộc sống.
Cả đám trẻ bụi đời sớm lăn lóc, từng trải thế mà có lần vẫn bị"hố". Trong kẻ lỡ độ đường, ông Năm Danh thật đáng thương. Ông ở quê lên, bị móc túi sạch ở bến xe. Bọn trẻ đưa ông về nhà Tình thương, gom góp tiền cho ông về quê. Nào ngờ công an phát hiện"ông" chính là tay lưu manh chuyên nghiệp, chuyên dùng"khổ nhục kế" đánh vào lòng trắc ẩn của người khác. Năm Danh bị bắt. Bọn trẻ được một bài học về sự nhẹ dạ cả tin. Cả tin là đúng thôi, vì các em là trẻ thơ mà. Nhưng nếu ở bất cứ phương diện nào thì hành động của lũ trẻ cũng đáng biểu dương.
Còn nhiều truyện như ngựa chứng, thằng Quắn củi, con trai khóc v.v…ta gặp ở đó những nhân vật"cộm cán"như Xuân"gấu", Quắn"củi", Tũn"trán vồ"v.v…đứa bán vé số, đánh giày, đứa thì bán kem. Mỗi em một hoàn cảnh, một tính cách, một thế giới tâm hồn riêng biệt rất dễ bị tổn thương. Nhưng từ khi về đoàn tụ trong nhà Tình thương do thầy Hùng bảo trợ, các em dần tỏ ra thương yêu, đùm bọc, gắn bó đến mức khó xa nhau. Tình yêu đó chính là động lực để các em sống và hy vọng cho tương lai.
Viết những ngày hè ở biển Nguyễn Thái Hải tỏ ra khá am hiểu về công tác phong trào Đoàn, Đội. Trong"hành trình trở về tuổi thơ" của mình, anh đã viết nhiều sách cho thiếu nhi, những ngày hè ở biển là một điển hình. Tập truyện là tiếng nói cảm thông, chia sẻ chẳng những của tác giả mà còn là của các bậc phụ huynh, những nhà hoạt động xã hội với số phận các em đang lăn lóc kiếm sống ở vỉa hè đường phố. Rằng các em có quyền ước mơ, được sống, học hành và trưởng thành như tất thảy trẻ em cùng trang lứa trong xã hội. Ước mơ của các em thật đáng được cỗ vũ và trân trọng biết bao.


* Một ngày hè ở biển, truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải-Nxb văn hóa-Văn nghệ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét