4/23/2013

H7...VÀ...N...9

Sát biên giới, nước láng giềng bao la đang hoành hành đại dịch H7N9,trong khi đó gà nhập lậu vẫn ồ ạt tuôn vào.
Tất cả mọi phương tiện tuyên truyền đều nhằm vào phòng chống dịch, đã thấy ít nói vấ đề sửa đổi Hiến pháp.
Những ý kiến trái chiều thường bị qui là"thoái hóa", là "bọn xấu", cũng có vẻ ít nói đến.
Riêng Báo VN của Hội Nhà văn trong mục "Tiếng nói Nhà văn" thì vẫn đăng các ý kiến về quyền Dân chủ của người dân, có số báo còn đăng những ý kiến của một vài nhà văn góp ý sửa đổi HP rất tâm huyết và thẳng thắn.
Chỉ mong đại dịch H7N9 đừng vào nước ta để chúng ta thực thi dân chủ và chống"đại dịch" tham quan, nhũng lại làm khổ dân. Vậy nha.

4/03/2013

nhatkydiquangngai

NHẬT KÝ ĐI QUẢNG NGÃI
20/3/2013. 13h15 tàu chuyển bánh đưa mình cùng Nguyễn Đình Hoàng đi Quảng Ngãi, bỏ lại Biên Hòa với những dòng người và xe cộ cùng khói bụi ở những ngã tư. Con tàu xuyên qua những vùng đất trù phú xanh tươi cây trái của Đông nam bộ.
Khoảng 18h, tàu qua vùng Bình Thuận, Phan Thiết lại những núi non và những hình thù kỳ dị của những tảng đá mồ côi màu xám trắng nằm chênh vênh đỏng đảnh trên các sườn núi khiến mình nhớ đến bài thơ:"Đi tàu gặp trăng ở Phan Thiết". Xa xa là những thôn ấp với những căn nhà bé như cái hộp diêm. Những cánh đồng nhỏ hẹp vừa qua vụ gặt còn trơ gốc rạ và mặt ruộng nứt nẻ của mùa khô Nam trung bộ. Đây đó cũng còn những khoảnh ruộng sắp được gặt hoặc lúa đang sậm bông bên cạnh những hồ nước nhân tạo. Vài cái máy súc đang nạo vét những hồ chứa nước.
Con tàu vẫn hăm hở băng lên phía trước bỏ lại đằng sau những hoang mạc và những thôn ấp ven chân núi như trong một bức tranh dưới ráng chiều chạng vạng. Những con đường mòn trên cát sáng lên mơ hồ,những đàn bò đang thong thả đi về thôn trên những lối mòn thân quen đó.
Trời sụp tối rất nhanh, con tàu băng qua những trảng rộng hàng trăm ha trồng thanh long, người ta thắp điện để giục quả mau chín. Cảnh tượng thật lãng mạn. Con tàu như đi giữa đêm hội hoa đăng.
Một đêm trôi qua cũng mau.
5h30, tàu đến ga Đức Phổ. Hành khách độ hơn chục người xuống ga. Một đội quân nữ xe ôm hùng hậu xuất hiện. Có cô còn nhìn tận mặt Hoàng mà hỏi:
-Anh có về Phổ An không?
Hoàng nói, về Phổ Minh. Lát sau anh rể của Hoàng ra đón. Hoàng"đẩy" cho mình đi xe ông già còn hắn đi xe ôm, nghe đâu là cô Đào.
Tại Phổ Minh. Thôn ấp ở như những ốc đảo nổi lên trên những thảm lúa đang uốn câu, có những thửa đã ngả màu vàng sậm báo hiệu một mùa no ấm đã đến gần.
Nhà anh Bốn là một căn nhà phổ biến kiểu miền Trung. Nhà ba gian hai trái, hơi thấp để tiện tránh bão. Từ sân nhà anh đi độ hai mươi bước là ra gặp ruộng lúa. Hương lúa thơm dìu dịu theo gió phả vào lồng ngực. Mình muồn hít căng đầy lồng ngực cái hương lúa đồng quê, càng ngửi càng không biết chán. Buổi trưa, con gái anh Bốn từ xóm trên đến nấu cho cha và hai cậu bữa cơm gạo quê ăn với canh chua cà thu ngừ( ở đây bà con gọi là cá thu ngừ).
Độ 17h khi mình đang viết những dòng này thì trời dịu mát, thời tiết dễ chịu. Gió từ cánh đồng đem theo hương lúa về thơm đầy sân. Thỉnh thoảng có tiếng chim bìm bịp kêu vọng trong chiều tà nghe rất gợi. Nó gợi một không khí tĩnh lặng vắng vẻ của một miền quê thanh bình.
NGAY 22/3/2013.
Sáng, Hoàng dậy từ 5h đi chợ quê, Hoàng mua bánh xèo, bánh ích. Mấy anh em ăn xong bắt tội anh Bốn phải đi rửa chén. Hoàng nói đi qua ruộng lúa nghe mùi thơm thật dễ chịu. Vậy là từ hôm qua tới giờ cái điệp khúc hương lúa thơm cứ lặp đi lặp lại cộng với bản hòa âm của các loại chim.Chim cu gáy êm đềm trên cành mít, chích chòe than hót véo von trên tàu dừa. Ở thành phố dễ gì được sống trong khung cảnh thế này.
Thấy mình ghi chép, anh Bốn nói, làm cái nghề này cũng cực lắm chú hả? Mình nói nhưng nó vui lắm anh à. Tụi em đến đâu mà không ghi được nó làm như còn thiếu một cái gì đó.
Ngay trong sáng ngày 22, tụi mình chào anh Bốn để qua xã Phổ An, quê nội của Hoàng.
Khoảng 8h thì về đến Phổ An. Cất hành lý xong, hai thằng ra chợ.
Chợ thôn An Thổ còn gọi là chợ chồm hổm. Kẻ bán người mua đều là dân trong thôn. Hàng hóa chủ yếu là cá biển còn tươi. Rau sạch ở đây bán rẻ như cho. Mười ngàn ba bó rau lang tươi mơn mởn.Thấy có người lạ"lạc" vào chợ là dân trong chợ biết ngay. Các bà bán hàng đều tươi cười hỏi có mua gì không? Tụi mình biết mua gì được bây giờ. Chắc các bà trọc cho vui. Bỗng có một giọng hát nghiệp dư của một cô gái cất lên từ một tiệm karaoke gần đấy:"Ơi! Ơi lý nàng ơi…ơi lý nàng ơi, mùa lúa thơm đã chín chín lâu rồi mà sao anh không ghé về thăm…". Dư âm bài hát khiến mình và Hoàng vừa ngỡ ngàng vừa phấn chấn, và thầm nghĩ phố thị cũng gần đâu đây thì phải.
Buổi chiều, nghe tin có Hoàng cùng một người bạn về làng, bà con kéo đến chơi khá đông. Trong số khách có anh Ba Binh trạc gần 70 nhưng còn tinh anh nhanh nhẹn. Thấy anh vui vẻ mình bắt chuyện, quả anh là người dễ bén chuyện. Thời chống Mỹ anh hoạt động du kích và làm giao liên xã.
Nghe mình nhắc đến chị Đặng Thùy Trâm, anh kéo đầu gối chân phải lên và nói:
- Đây nè, chị Trâm tái sinh tôi lần thứ hai. Tôi bị mảnh pháo 105 ly phạt xéo qua đầu gối, nằm trên cứ đã có hiện tượng nhiễm trùng vì thiếu thuốc men. Sau được anh em cáng về Trạm xá. Chị Trâm trực tiếp rửa vết thương, cắt bỏ hoại tử, ngày được chích hai mũi bi(penixyline).Một tuần, tôi ra viện. Ơn chỉ quá trời luôn.
Nhà anh Ba Binh những năm 1966 còn là cơ sở mật(HB18) nơi ban chỉ huy xã họp để đón tàu không số. Anh kể, đêm 26/11/1966 tàu của ta tiến vào bãi biển Phổ An(Đức Phổ). Lúc này nước đang ròng mạnh, tàu C41 quyết định thả hàng để trong bờ du kích đón vớt. Phải thả hàng là vì tàu không thể vào gần bờ, chân vịt mắc cát sẽ không thể hoạt động. Nhưng mới thả được một phần ba số hàng thì ngoài khơi xuất hiện hai tàu khu trục của địch đã ém sẵn. Các thủy thủ được lệnh bơi vào bờ. Thuyền truởng Hồ Đắc Thạnh và máy trưởng Phan Nhạn ở lại bấm ngòi nổ hẹn giờ xong, sẽ bơi vào bờ sau.
Anh em trong bờ thấy lâu sợ dây cháy chậm có sự cố, thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Nhợ bơi ra kiểm tra. Nhưng hai anh lao ra mới được vài mét thì một tiếng nổ long trời dậy lên. Một cột lửa sáng lòa  bốc lên cao hàng trăm mét mà trên núi Ba Tơ cách Phổ An trên 20 km đường chim bay còn nhìn thấy.Những mảnh thân tàu nặng hàng tấn văng lên bãi cát cách xa điểm nổ hàng hai trăm mết. Hai chiếc tàu địch tháo chạy bán mạng.
Năm du kích hy sinh do sức ép. Hai anh thủy thủ ba ngày sau cô bác và du kích đi tìm chỉ thấy một chiếc chân không biết của ai. Hai tháng sau địch không dám hành quân đến Phổ An vì chúng ngán số vũ khí đã lọt vào tay bộ đội và du kích sẽ là hiểm họa cho chúng nếu chúng liều lĩnh bén mảng đến vùng du kích…Anh Ba Binh cho biết hiện xã đang làm kế hoạch xin kinh phí xây đền thờ các liệt sỹ và nhà tưởng niệm tàu C41.
23/3/2013.
Đêm qua vớ được một mảnh vải bạt Mỹ làm tấm đắp, mình ngủ thiếp đi đến 5h sáng thì anh Ba Liêm(anh trai của Hoàng) gọi dạy bảo đi ra Bãi ngang nơi con tàu C41 thả hàng năm xưa.
Dọc đường đi anh Ba Liêm bảo vùng này ngày xưa cứ một mét vuông chịu 2 quả bom và 5 quả đạn pháo của giặc nhưng du kích cùng bà con vẫn trụ vững.
Đối diện qua đường liên xã với nhà anh Ba là nhà anh Đào. Đào là em trai thứ Tư chị Ba Liêm từng hoạt động du kích xã. Bữa đó có một tên ra chiêu hồi dẫn lính Mỹ về dùng xe ủi và máy xúc, xúc cả bụi tre lên. Khi nâng gầu lên chúng bắt được Tư Đào cùng một du kích ngồi thu lu trên đó. Đào bị chúng đầy ra Côn Đảo. Trong một trận càn, vợ Đào bị một tiểu đội Mỹ hãm hại. Bây giờ chị Đào không sinh nở được. Hòa bình về, vợ chồng Đào phải đi xin con nuôi từ trại mồ côi Bình Triệu. Sau Đào chết do vết thương tái phát. Vợ Đào giờ đã thành bà ngoại nhưng lúc tỉnh, lúc mê. Người đàn bà ngoài 60 giờ như cái xác không hồn, mái tóc bạc trắng như bông, người mỏng như cọng lá lúa, lúc tỉnh thì sống với những kỷ niệm mất mát đau thương thời chiến tranh. Thật đáng chia sẻ biết bao. Hôm qua giỗ Đào mình cũng được mời, thấy chị ấy cứ ngơ ngơ như đang suy nghĩ điều gì tận đâu đâu, nhưng cũng có lúc chị cũng đi các bàn mời bà con nâng ly, cầm đũa…
Đi gần tới gần mép biển gặp một ông già chống gậy đi tới. Anh Ba Liêm chào;
-Chào ông Ba Bình. Đi đâu đó?
Ông già ngước đôi mắt mờ đục lên đáp:
-Tôi giờ còn đi đâu. Đi loanh quanh trong làng thôi. Ba Liêm về hồi nào, khỏe không?
Anh Ba Liêm cho biết:
- Đó là ông Ba Bình. Hồi chống Mỹ ổng là du kích đón tàu không số. Ổng có bà vợ là bà Nguyễn Thị Thanh, là liệt sỹ chống Mỹ. Bữa đó biệt kích Mỹ ập vào từ bờ biển. Thấy gấp quá, bả hô:" Lính Mỹ đó, chạy đi mấy anh". Chúng bắn bà chết ngay sau vườn nhà, nhưng du kích thoát hết, không ai bị bắt. Ông Ba Bình còn một người con gái cũng là liệt sỹ đánh Mỹ tên là Võ Thị Yên. Chị Yên trong một lần dẫn đoàn cán bộ đi, gặp giặc kích, chị nổ súng chặn giặc cho cán bộ rút lui an toàn. Sau chị hy sinh.
Hèn nào trên bàn thờ nhà ông Ba Bình mình thấy có tấm ảnh thờ một người con gái độ ngoài hai mươi, có khuôn mặt đẹp nhưng đẹp có chiều sâu và thoáng buồn. Ông Ba Bình mới được bộ đội hải quân xây tặng một căn nhà tình nghĩa. Anh Ba Liêm nói với ông:
- Chú Kháng đây là nhà văn xuất thân bộ đội đó ông.
Ông ngước nhìn tôi, hỏi:
- Ông học lớp mấy rồi mà làm nhà văn?
Anh Ba cười:
- Ổng 91 rồi, nói chuyện đã lẫn nhưng hồi đánh Mỹ gan thấu trời đó.
Bọn mình chào ông Ba Bình để ra về. Đột nhiên có tiếng chim cu gáy từ sau vườn. Tiếng chim làm ấm lên một vùng quê buổi sáng ven biển. Tiếng chim như không hề biết nơi đây hơn 40 năm trước đã trải những tháng ngày đau thương bi tráng cho một Phổ An hôm nay.
24-25/3/2013
Sáng nay trời mát, mình cùng Hoàng đi Quảng Ngãi trên chiếc xe Ware Tàu đã cà tàng. Đi qua sông Vệ, lòng sông cạn trơ những cồn cát. Vài ba tốp người đang dùng lưới điện để rà cá. Đây là một cách hủy diệt mọi con cá.
Lại nhớ đến truyện ngắn"Cậu Tư" của Khôi Nguyên của Nhà thiếu nhi Đồng Nai trong một cuộc thi truyện ngắn. "Cậu Tư" gửi ra báo Thiếu niên Tiền phong ngoài Hà Nội đã đoạt Giải nhì. Người xưng tôi trong truyện được chứng kiến cái chết của con gái cậu Tư do tham gia rà cá bằng điện, bị điện giật chết. Câu chuyện để lại bài học đắt giá, con người phá hoại môi trường tự nhiên, bị tự nhiên trừng phạt.
Đến một tiệm bán cá khô và mắm các loại, Hoàng mua vài hộp cá bống Sông Trà sấy khô với ớt. Con cá chỉ bằng ngón tay út. Mình hỏi Hoàng cá bống Sông Trà nổi tiếng đây sao? Hoàng bảo họ dùng loại lưới mắt nhỏ để bắt. Theo họ, loại cá này mới ngon.
Suốt đường về mình cứ bị ám ảnh bởi loại cá bống bị tận diệt. Chưa hết, buổi chiều mình còn được chứng kiến anh Ba Liêm còn mua được mớ cá bống, mà những con cá chỉ to bằng những tép bưởi."loại này mới ngon đó chú", anh Ba Liêm nói.
26/3/2013
Đi chợ Phổ An. Sáng nay Hoàng đi chợ mua nhang, trái cây để ra thắp nhang mộ ông già.( Nghe Hoàng nói ông đi tập kết 20 năm, khi về quê đến nhắm mắt xuôi tay chỉ có vài bộ quần áo và chiếc xe đạp cũ)
Già nửa diện tích chợ giành cho bán các loại cá biển. Đủ các loại cá ngừ,cá thu, cá chim, cá cờ, cá ngừ đại dương sắt ra từng khúc, mỗi khúc từ hai đến ba kg, thịt cá đỏ như thịt bò. Qua loại hàng nào Hoàng cũng hỏi. Mình sợ hỏi mà không mua người ta la chết. Hoàng bảo hỏi cho biết.
Bất cứ bà bán hàng nào cũng đon đả chào mời mình với Hoàng:
- Mua cá tươi nấu "chố"(cháo) đi chú ơi.
- Mua bánh đi chú.
- Mua tỏi đi"eng"(anh).
Vài ba đứa con gái độ 18 hoặc 20 chúng có cách chào rất khéo":
- Ông mua gì cho con đi ông ơi.
Nhưng tụi mình biết mua gì bây giờ?
Ra đến cửa chợ gặp một hàng bán trái cây và hoa tươi. Một thiếu phụ độ ngoài 40 có nét đẹp mặn mà, lên tiếng:
- Mua cam đi anh ơi. Hay anh mua xoài cho em, xoài ngon lắm mua giúp em chục đi.
Hoàng lưỡng lự, lại xưng là chú. Cô bán hàng một mực không chịu, cứ anh ngọt xớt:
- Em sắp làm sui, con gái em sắp làm đám cưới mấy anh kêu em là cháu sao được. Biết Hoàng là dân thành phố về quê mua trái cây cúng ông già, cô ta còn nói:
- Anh mua ký mận cho trẻ thả bò nó ăn, nó khỏi"phứa mửa"(phá mả)
Hoàng siêu lòng, mua cho cô ta vài ký xoài, mận và bó hoa cúc.
Mình thầm nghĩ, ở tỉnh cũng như chợ quê những người bán hàng sành điệu, lịch lãm kiểu này họ hút hết khách là phải.
27-28/3/2013
Mới bốn ngày hôm nay trở lại Phổ Minh mà những ruộng lúa đã vàng rực hẳn lên. Bông lúa nặng trĩu đổ gục theo một chiều, mỗi khi có cơn gió thổi qua ruộng lúa dập dờn như sóng. Nhìn cánh đồng quê ở đây cũng thân quen như mọi đồng quê những nơi khác mà mình đã đi qua. Mình cũng cảm thấy nhớ làng quê mình một vùng quê Bắc bộ. Được cái ở nhà anh Bốn rất dễ chịu, các con anh đi làm ở Sài Gòn, Biên Hòa. Vợ anh đi bế cháu để mình anh, ông già 74 tuổi một mình trông nom nhà cửa cùng vài sào lúa.
Sáng sáng anh dậy sớm tưới rau và mướp trong vườn, song anh cho gà ăn lúa. Một lát đã thấy anh ngồi cọ rửa những cái xoong nhôm cho sáng bóng lên mới thôi. Dường như anh không chịu ngồi yên mặc dù nhà anh đã rất ngăn nắp. Nhà tắm và nhà vệ sinh lúc nào cũng sạch như lau. Nước giếng được lọc qua một cái lu đựng cát trong hơn nước máy là cái chắc. Tóm lại gia đình anh Bốn là một gia đình cần kiệm nhưng hiếu khách. Biết trưa nay mình cùng Hoàng lên tầu về Biên Hòa, anh nhắc tụi mình soạn hành lý kẻo quên. Anh đem hai cái khăn mặt của hai thằng ra sào phơi ngoài vườn để mau khô.
Mới ở có mấy bữa mà anh Bốn đã coi tụi mình như người nhà(trừ Hoàng đã là em vợ của anh), mình cũng coi anh như người anh lớn. khoảng cách chủ khách dường như không còn. Mình và anh nói chuyện về chuyện chị Đặng Thùy Trâm, những năm chị phục vụ tại Trạm xá của khu tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ. Cũng có lúc chị dùng căn cước giả để đi cơ sở. Chị còn đi gặt lúa với dân, khi bọn Mỹ ngồi trên máy bay lên thẳng hỏi giấy, mọi người giơ thẻ lên, chúng bay đi. Lúc này có tiếng chim bìm bịp kêu, anh Bốn coi đồng hồ đã 12 giờ, anh bảo đi ra ga Đức Phổ là vừa. Tạm biệt bà con Phổ Minh, Phổ An hẹn một mùa lúa chín sẽ về thăm.